Vi khuẩn sống trong đường tiêu hóa của con người đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Tuy nhiên, trong số hàng ngàn loài vi khuẩn đường ruột sống trong ruột thì chỉ có một số loài có lợi cho cơ thể trong khi những loài khác thì không.
1. Vi khuẩn đường ruột là vi khuẩn gì?
Hệ vi sinh vật ruột là tên được đặt ngày nay cho quần thể vi khuẩn sống trong ruột của chúng ta. Hệ vi sinh vật đường ruột chứa hàng chục nghìn tỷ vi sinh vật, bao gồm ít nhất 1000 loài vi khuẩn khác nhau được biết đến với hơn 3 triệu gen (gấp 150 lần so với gen người).
Ngay khi vừa sinh ra, đường tiêu hóa của trẻ sơ sinh nhanh chóng bị các vi sinh vật từ mẹ xâm nhập (âm đạo, phân, da, vú,…), môi trường diễn ra quá trình sinh nở, không khí,… Trong 2 năm đầu đời, hệ vi sinh này phát triển và chịu ảnh hưởng của phương thức nuôi dưỡng. Từ 2 tuổi trở lên, hệ vi sinh đường ruột ở trẻ dần dần đa dạng như người lớn và tiếp tục phát triển trong suốt cuộc đời.
Ở trạng thái cơ thể khỏe mạnh, hệ vi sinh đường ruột tồn tại bao gồm cả các vi sinh vật có lợi (lợi khuẩn 85%) và các vi khuẩn gây bệnh (15%).
2. Vai trò của vi khuẩn đường ruột
2.1 Vi khuẩn có lợi
Một số loại vi khuẩn đường ruột có lợi như Lactobacilli, Bifidobacteria, Bacillus clausii… Những vi khuẩn này mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người như:
- Giúp cơ thể tiêu hóa một số loại thực phẩm mà dạ dày và ruột non không thể tiêu hóa được.
- Giúp sản xuất một số vitamin (B và K).
- Giúp chúng ta chống lại sự xâm lược từ các vi sinh vật khác, duy trì sự toàn vẹn của niêm mạc ruột.
- Những lợi khuẩn đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch, tạo ra hàng rào bảo vệ ruột. Lactobacilli và Bifidobacteria là hai loại vi khuẩn đóng góp quan trọng trong thúc đẩy đáp ứng miễn dịch dịch thể thông qua IgA tiết. Một số chủng Lactobacilli và Bifidobacteria còn có tác dụng thiết lập sự cân bằng đáp ứng miễn dịch của các tế bào lympho T giúp đỡ, kích thích sản xuất interleukin 10 và yếu tố làm biến đổi sự phát triển. Cả hai yếu tố này đều có vai trò trong tính trung hòa miễn dịch, vì vậy có tác dụng giảm các bệnh lý dị ứng.
- Một hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh và cân bằng là chìa khóa để đảm bảo hoạt động tiêu hóa thuận lợi.
2.2 Vi khuẩn gây hại
Các vi khuẩn đường ruột có hại có thể gây bệnh ở các vị trí khác nhau trên đường tiêu hoá và cơ chế gây bệnh cũng khác nhau. Các bệnh lý gây ra bởi vi khuẩn đường ruột như tiêu chảy, viêm ruột ỉa chảy, viêm đại tràng. Ngoài ra các vi khuẩn đường ruột còn gây bệnh ở ngoài đường tiêu hoá như viêm đường tiết niệu, viêm màng não, viêm phổi, phế quản và đặc biệt nhiễm khuẩn huyết. Vi khuẩn đường ruột có thể gây bệnh được ở bất kỳ cơ quan nào của cơ thể, bệnh có thể song hành hoặc độc lập với các bệnh ở đường tiêu hóa.
Một số loại vi khuẩn đường ruột gây bệnh cho con người như:
- Shigella gây bệnh lỵ trực khuẩn và viêm ruột ỉa chảy.
- Salmonella gây bệnh thương hàn, tùy từng loại Salmonella mà có thể gây bệnh cho người hoặc gây bệnh cho động vật. Salmonella typhi là tác nhân quan trọng nhất trong bệnh thương hàn ở người, tỷ lệ gặp trên bệnh nhân khá cao, nhất là ở Việt Nam.
- E. coli là vi khuẩn sống cộng sinh, chiếm 80% vi khuẩn ở ruột. Vi khuẩn đường ruột này tổng hợp ra một số vitamin B, K, E và giữ cân bằng quần thể vi khuẩn đường ruột. Bình thường E. coli sống cộng sinh ở đại tràng, không gây bệnh, chỉ một số chủng có độc lực mới có khả năng gây bệnh. E. coli gây bệnh cơ hội khi sức đề kháng của cơ thể giảm sút, gây viêm dạ dày ruột, thường gặp ở trẻ nhỏ, gây nhiễm khuẩn mủ vết thương, vết bỏng, gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu, là căn nguyên chủ yếu nhất trong các căn nguyên vi khuẩn đường ruột, đặc biệt hay gặp trong các trường hợp thai nghén, sỏi tiết niệu hay thủ thuật thông niệu đạo, niệu quản ngược dòng, viêm phế quản, phổi, đường mật, đường viêm não màng não, viêm xoang…
Tóm lại, đường tiêu hóa của chúng ta chứa một hệ vi sinh phức tạp. Chính hệ vi sinh này tạo ra tính ổn định và khả năng đề kháng của cơ thể trước các tác nhân gây bệnh. Hệ vi khuẩn đường ruột ở mỗi người là khác nhau, phụ thuộc vào yếu tố di truyền và môi trường…